Theo Viện Công nghệ tái chế phế liệu Mỹ (ISRI), mỗi năm ngành công nghiệp tái chế phế liệu Mỹ đóng góp cho nền kinh tế nước này trên 90 tỷ USD, chiếm 0,6% GDP và tạo ra gần 460.000 việc làm.
Một số quốc gia như Thái Lan, Singapore, với việc áp dụng các phương pháp tái chế rác hợp lý, mỗi năm tiết kiệm được 50% - 55% các loại nguyên liệu như bột giấy, nhựa, kim loại nặng… Tại Việt Nam, việc phân loại rác tại nguồn từ khi thực hiện thí điểm đến nay đã trên dưới 10 năm, nhưng so sánh với nhiều nước thì đây cũng chỉ là bước khởi đầu. Tuy nhiên tại Việt Nam, có rất nhiều hộ gia đình giàu lên nhờ nghề thu gom rác thải. Đặc biệt gần các khu liên hiệp xử lý chất thải, có tới hàng vài chục thậm chí hàng trăm chủ cơ sở thu gom chất thải từ những người dân đi gom về. Ở Mỹ, để người dân có thói quen phân loại rác tại nguồn, chính quyền cũng phải tuyên truyền, vận động suốt hơn 50 năm.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ riêng Hà Nội và TP.HCM mỗi năm thải ra khoảng hơn 30.000 tấn chất thải, bao gồm cả rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và rác thải y tế, rác thải của các công ty cũng như tại tất cả các quận huyện trên cả nước. Trong đó có đến 50% - 70% lượng rác thải chứa những hợp chất có thể tái chế và tạo ra nguồn năng lượng mới, nhưng chỉ có khoảng 10% trong số này được tái chế và tái sử dụng. Vì vậy nếu tận dụng xử lý được hết nguồn rác thác này thì không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn tạo thêm việc làm cho người lao động, tăng ngân sách cho chính quyền địa phương.
Riêng tại Hà Nội, rác thải từ tất cả các quận huyện được thu gom về khu xử lý chất thải Nam Sơn thuộc huyện Sóc Sơn. Tại nơi đây, mỗi đêm có hàng trăm người dân tham gia tìm kiếm và thu gom rác thải có thể sử dụng hoặc tái chế, bán lại thành tiền. Một phần họ mang bán cho các chủ cơ sở tại đây, một phần họ đem về giặt sạch, sau đó lại xuất cho các cơ sở chuyên tái chế chất thải. Những công việc của họ tuy kiếm đủ ăn, nhưng lại khá độc hại vì luôn phải tiếp xúc với các rác thải, trong đó có cả những rác thải độc hại.